Chuyện về những đôi dép – phần 2

Khi những đôi dép tổ ong đến với những học sinh các xã khó khăn của huyện nghèo Konplong cũng là khi mùa mưa tới, các em học sinh rất háo hức với những đôi dép nhựa mới tinh. Nhờ có những đôi dép nhẹ êm này, các em sẽ đỡ đau chân trên con đường rừng dài vài cây số tới trường, những bước chân trở nên nhẹ nhàng và nhanh nhẹn hơn, các em đến lớp đúng giờ hơn. Lớp học từ nay không còn lầy lội và ẩm ướt vì chân đất nữa.

Dép mới rất đẹp 

Các thầy cô cũng không giấu được niềm vui mỗi khi học sinh của mình nhận được dép, quần áo ấm, áo mưa và các đồ dùng học tập khác. Tại xã Măng Bút, nơi cách trung tâm huyện Konplong 30 km đường đất, toàn xã hiện có 1099 học sinh từ mầm non tới trung học cơ sở, các em đến từ 12 thôn khác nhau, trong đó có những thôn cách trung tâm xã 20 km đường rừng như Đăk Lanh, Đăk Zắc, Đăk Chun, Ko Chất. Các em đến trường gặp rất nhiều khó khăn, không kể đường xa khó đi, các em còn phải đối mặt với các hiểm nguy khác như rắn, vắt cắn, lở đất, cây đổ, và lũ quét… các em tại thôn Đăk Lanh phải vượt qua 9 cái cầu treo mới tới được lớp học.

Dép và áo mưa các em mới được trao tặng

Khi chúng tôi đến với điểm trường mầm non thôn Đăk Lanh chứng kiến cảnh các cháu mầm non phải học trong phòng học tạm bợ, thiếu thốn khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Lớp học khoảng 16m2 dành cho 22 học sinh, chật trội và thiếu ánh sáng, vài con thú bằng nhựa lăn lóc trên nền đất mấp mô, tiếng gió rít qua vách nứa kéo theo những hạt mưa đầu mùa lạnh tê tái, tiếng mưa rơi trên mái tôn lộp độp sen lẫn trong tiếng hát của các cháu. Khoảng sân trống trước lớp học được rào bởi tre nứa ngăn với ruộng nước phía trước để tránh nguy hiểm cho các cháu.

Có những đôi chân trần lội rừng tới lớp

Học sinh ở đây không chỉ thiếu dép mà các cháu còn thiếu rất nhiều thứ từ những đồ chơi cho đến dụng cụ học tập, quần áo, mũ nón và thực phẩm. Các cháu cũng không có nhà vệ sinh. Luôn đi cùng chúng tôi trong các lần phát quà cho các cháu là thầy hiệu trưởng THCS Măng Bút – Hoàng Văn Đam, thầy là đội trưởng đội Tình nguyện viên từ những ngày đầu triển khai chương trình hợp tác, với lòng nhiệt tình và tình thương học trò, thầy đã không quản ngại đường xa trơn trượt, dẫn chúng tôi đến với những thôn xa nhất để kể cho chúng tôi những câu chuyện thực tế về điều kiện sống và học tập của các cháu học sinh, giáo viên và người dân tại những nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn này để mong mang lại những đổi thay cho nơi đây.

Trong ánh mắt người giáo viên đã có hơn 10 công tác tại vùng nghèo khó này luôn ánh lên niềm vui mỗi khi học sinh được nhận những chuyến hàng hỗ trợ từ các nơi khác chuyển về. Có lẽ cái khó khăn tại nơi đây đã quá “nổi tiếng” nên thầy cho biết cũng có những nhóm từ thiện khác lặn lội từ Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh đến tận nơi trao tận tay cho học sinh những món quà ấm áp nghĩa tình đồng bào. Như nhóm Gánh Hàng Xén ở Hà Nội, nhóm Phật tử quận 5 Tp Hồ Chí Minh. Trăn trở của thầy và các giáo viên ở đây là làm thế nào để các em không bỏ học, bỏ lớp bỏ trường. Để làm được điều này thì các em phải no cái bụng, phải ấm cái thân và cái chân không bị sưng lên sau mỗi buổi đến lớp.

Konplong là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, toàn huyện có 9 xã, 98% người dân là dân tộc thiểu số thuốc các nhóm Ka Dong, Mơ Nâm, Hre. Tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 74%. Ngoài xã Măng Bút được mô tả chi tiết trong bài viết này thì còn có các xã Đăk Ring, Đăk Nên, Đắk Tăng cũng còn rất nhiều khó khăn. Các em cần lắm những hỗ trợ của các nhà hảo tâm, những tấm lòng nhân ái.

Những đôi dép tổ ong đơn sơ từ Quỹ Vui – Khỏe – Ấm – No giúp nâng bước các em đến trường nhẹ nhàng hơn. Khi trao tận tay các em những đôi dép long tôi cũng thấy bớt trĩu nặng.

Cảm ơn các nhà hảo tâm, những tấm long nhân ái.

Sau đây là thống kê số dép đã hỗ trợ cho học sinh của 4 xã:

This entry was posted in 2. Những gì chúng tôi đang làm, Chuyện về những đôi dép and tagged , . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *