Thấy chúng tôi đi vào từ đầu ngõ, anh Thi đã khoe ngay “Nhà tui vừa mới lợp được tấm lợp fibro xi măng và ghép thêm tre cho ngôi nhà 2 gian. Mùa đông tới các cháu sẽ đỡ lạnh hơn rồi”. Niềm vui len lỏi trong ngôi nhà sàn ấm áp.
Ngôi nhà mới lợp mái và vách tre của anh Thi chị Toàn
Vậy là cũng đã hơn 1 năm được Qũy VKAN hỗ trợ. Nhờ VKAN mà vợ chồng anh đỡ vất vả hơn với “6 cái tàu há mồm”. 5 đứa con ruột cộng với một thằng cháu nhỏ của vợ chồng người em, gánh nặng trên vai anh càng nặng nề hơn. Vợ anh chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước lo cho tụi nhỏ. Chuyện lo ngày mai có cái gì cho no bụng cũng đã làm anh mất ngủ lắm rồi. “Nếu mà VKAN có cho tiền chắc tui cũng không dám mua mạnh tay cho các cháu ăn đâu, vì còn bao nhiêu việc phải cần dùng đến”. Có lẽ vì vậy mà nhà tài trợ và chúng tôi cũng rất đồng tình với việc mua thực phẩm hỗ trợ gia đình anh chị.
Gia đình anh chị phấn khởi bên phần thực phẩm được nhà bảo trợ trao tặng
Vất vả mấy anh cũng ráng cho tụi nhỏ đi học. Các cháu đều được đi học, riêng con gái lớn vừa học xong lớp 9 nhưng không thi đậu cấp 3 nên đang ở nhà. Nếu tui có tiền sẽ cho cháu đi học một cái nghề gì đó để đỡ đần ba mẹ nuôi các em, nhưng… đang nói anh chợt dừng lại. Chúng tôi biết rằng việc này là quá khó đối với anh, khi mà bữa cơm và ốm đau bệnh tật còn chưa lo nổi. Cũng nhờ VKAN hỗ trợ mua đồ ăn cho gia đình nên anh mới dành dùm được tiền sửa lại ngôi nhà, điều mà bấy lâu nay anh nghĩ là không thể nào làm được.
Anh nói bữa ni đi rừng cũng không có chi mần ra tiền cả chị ạ, chỉ có măng rừng thôi. Ở nhà cũng có vợ và con gái lớn, giá có con trâu, con bò hay con lợn thì cũng nuôi kiếm được đồng tiền, đằng này… Đâu phải anh không biết làm gì cho gia đình nhỏ của mình, nhưng như bao người dân ở xã miền núi Ngân Thủy này, nơi chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều – cái khó bó cái khôn đã làm cho cuộc sống của họ khó khăn từng ngày.
Qua trao đổi với chị Yến – Trạm Y tế xã Ngân Thủy, chị nói rằng cuộc sống người dân ở đây còn vất vả lắm. Nguồn nước sạch cũng phải ra suối lấy. Ở trạm cũng có một cái giếng khoan nhưng bà con cũng ngại tới và hơi xa. Trường hợp gia đình anh Thi chị Toàn là một trường hợp khó khăn đặc biệt của xã, một người làm mà đến 8 miệng ăn. Biết là giúp đỡ thực phẩm là chuyện rất cần thiết trước mắt nhưng để tự giải quyết lấy những khó khăn của gia đình thì cần phải tạo cho họ một công việc gì có thu nhập. “Nếu được thì nhà tài trợ nên mua con giống cho gia đình nuôi thả tại nhà thì tốt biết mấy” – chị Yến chia sẻ với chúng tôi.
Nhìn các cháu uống sữa và ăn mì tôm sống một cách ngon lành mà ai nấy đều thấy thương vô cùng. Chỉ mong sao VKAN tiếp tục giúp đỡ gia đình anh chị để các cháu tiếp tục được đi học, để bữa cơm không chỉ là măng rừng và muối trắng…
Trần Thị Mỹ Lệ
Quảng Bình, Tháng 8/2013
Danh mục hỗ trợ gia đình anh Thi chị Toàn tháng 5&6/3012
STT | Danh mục | Đơn vị | Số lượng | Đơn giá | Tổng tiền |
1 | Gạo dẻo thơm | kg | 20 | 15,000 | 300,000 |
2 | Cá khô | kg | 1 | 90,000 | 90,000 |
3 | Tép khô | kg | 0.5 | 200,000 | 100,000 |
4 | Dầu ăn Cái Lân 5l | chai | 1 | 156,000 | 156,000 |
5 | Mỳ tôm Kokomi | thùng | 2 | 77,000 | 154,000 |
6 | Lạc | loong | 5 | 11,000 | 55,000 |
7 | Mì chính Vedan | gói | 1 | 25,000 | 25,000 |
8 | Nước mắm Nam ngư | chai | 2 | 15,000 | 30,000 |
9 | Bột đậu xanh uống liền | gói | 2 | 24,000 | 48,000 |
10 | Bánh gấc | gói | 1 | 24,000 | 24,000 |
982,000 (còn 18,000) |
Cảm ơn Lệ và đội Quảng Bình. Chị cũng vừa gửi link báo cáo này cho anh Vinh, là người trực tiếp hỗ trợ anh Thi, chị Toàn và gia đình trong 1 năm qua. Anh Vinh cũng bày tỏ mong muốn gia đình có kế hoạch phát triển dài hơi mang tính bền vững hơn. Hy vọng sau khi đọc báo cáo anh Vinh sẽ có ý kiến phản hồi sớm.
Mọi người ơi, anh Vinh đã xác nhận là mong muốn tiếp tục hỗ trợ nhà anh Thi chị Toàn theo phương án Quảng Bình đề xuất là giúp nhà anh chị Thi nuôi gà, lợn. Mọi người follow up tiếp xem chuồng trại/nhân lực đã sẵn sàng chưa, rồi gà lợn mua thế nào, kế hoạch chăn nuôi etc… để anh Vinh tiếp tục hỗ trợ nhé. Cảm ơn đội Quảng Bình rất nhiều!