Cho con được tới trường

Theo bước chân của anh lãnh đạo xã, chúng tôi đến được với căn nhà của gia đình chị Nguyên Thị Tuất, một căn nhà được hỗ trợ bởi chính quyền địa phương mang tên “Đại đoàn kết” ở xóm Thậm Thình xã Cát Nê, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

 photo 1_zpsb8efd434.jpg Đường vào nhà

Một người phụ nữ luống tuổi ra chào đón và mời chúng tôi vào nhà. Chúng tôi giới thiệu và nói về mục đích cuộc viếng thăm là vận động chị tiếp tục đưa các cháu tới trường. Chỉ nghe rõ tiếng chị thở dài mà chúng tôi không hiểu.

Chỉ sau khi nghe chia sẻ, chúng tôi mới hiểu được tình cảnh một người mẹ đơn thân của chị. Bốn mẹ con chị sống trong một căn nhà, mà theo lời chị kể, chị và các con đã phải nai lưng để vận chuyển cát sỏi từ con suối gần nhà để xây nhà. Tiền hỗ trợ 5 triệu đồng chỉ đủ mua gạch đá, xi măng và mái lợp.

Chị biết ơn nhiều lắm với sự quan tâm giúp đỡ của bà con hàng xóm đã chung tay giúp chị xây cất căn nhà. Nếu không có làm xóm, chị không biết phải kiếm đâu ra tiền tiền công xây dựng và tiền ăn cho thợ.

 photo 4_zpse1b82d1f.jpgMẹ con chị trong ngôi nhà mới

Đứa con đầu của chị giờ đã 17 tuổi, cháu mới học hết lớp 3 đã phải nghỉ để cùng mẹ cáng đáng công việc gia đình. Hai đứa em nhỏ, một đứa năm nay lên 9 tuổi, một đứa 6 tuổi, cả hai đều đã đến tuổi đi học rồi mà chị và cả cháu lớn cũng không thể gồng gánh để hai bé được đến trường.

Gia đình không có mảnh đất ruộng nào để cấy hái, chỉ có dăm ba mét để trồng chục luống chè. Hàng ngày, chị và cháu lớn phải ra khỏi nhà từ sớm để đi làm thuê, lúc thì cấy thuê, gặt thuê, lúc hết mùa cấy gặt thì đi hái chè thuê. Chị nói mỗi ngày cũng chỉ được trả có 60,000đồng, nếu ăn trưa thì họ sẽ trừ đi 10,000đồng/bữa; chị không ăn ở đó mà để dành tiền về nấu cho cả hai đứa nhỏ nữa ở nhà. Số tiền mà chị kiếm được mỗi ngày đó cũng chỉ đủ trang trải cho bữa ăn hàng ngày, còn những hôm mưa to, gió lốc, chị và các con ngồi trong nhà cầu nguyện cho cơn mưa nhanh qua, những ngày mưa gió không chỉ cản trở chị trong việc kiếm tiền mà bữa cơm cũng chẳng nấu được vì bếp nhà chị chỉ là những viên gạch chồng tạm lên nhau để tránh gió.

Chị nghẹn ngào khi thấy tôi hỏi đến lũ trẻ sao không được đến trường. Nhà chị  cách trường học gần 8km, đi bộ mất gần 1 tiếng mới đến được trường vì con đường đồi núi cứ lên dốc rồi lại xuống dốc. Đá lởm chởm cũng không ngại bằng sự lầy lội, nhớp nháp của những đoạn đường đất sét. Nhà không có lấy một chiếc xe đạp để đi nên chị cũng không thể đưa con tới lớp, chị nói: “Tôi cũng đã mượn xe để thử đạp xe đưa con đi học, nhưng cứ trèo lên là ngã, xe của người ta cũng hỏng theo!”. Chị cũng đã cố gắng để cho con đi học vì nhà thuộc hộ nghèo nên không phải đóng góp khoản gì cả, nhưng tiền sách, tiền vở, các khoản đóng góp lặt vặt …cũng làm chị thêm nhọc nhằn, trăn trở. Hơn nữa, thời gian đưa con đi học, đón con về sẽ lấy hết thời gian chị đi làm thuê kiếm ăn.

Chị chia sẻ với chúng tôi về mong ước của mình đối với các con: “Tôi mong có chiếc xe đạp để tiện đi lại, để cô chị cả tập đi và đưa hai em đến lớp, mong cho con được đến trường để chị còn an tâm đi làm thuê kiếm tiền”. Chị mong cho chúng được như những đứa trẻ khác, hòa nhập với bạn bè chứ không lủi thủi chơi với nhau như bây giờ. Những lúc chờ mẹ chưa về mà đói quá thì ra vườn lấy tạm gì đó để ăn củ đậu, củ khoai lang hay quả gì đó có thể ăn được.

 photo 3_zps120e493a.jpg

Hai cháu ăn tạm củ đậu trước khi có cơm

Nghe xong câu chuyện của chị, tôi nghẹn ngào chào chị ra về mà trong lòng chất chứa bao suy tư. Trẻ em như búp trên cành, nếu cuộc sống của gia đình chị cứ tiếp tục thế này, các con của chị sẽ mãi chỉ quanh quẩn nơi góc nhà mà không được học hành. Chuỗi vòng luẩn quẩn của đói nghèo sẽ lại đeo bám gia đình chị. Giá như có ai cho chị cái cần câu, hoặc chỉ vài con cá để chị có thêm nghị lực đi kiếm cần câu thì chắc con chị cũng đỡ khổ. Cần lắm những tấm lòng cho các cháu được đến trường như các bạn khác mỗi khi năm học mới bắt đầu.

Hoàng Thị Ngân

Thái Nguyên, tháng 7/2014

This entry was posted in [31-TN] Chị Tuất và các con, 1. Những câu chuyện nhỏ của con and tagged , . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *