Ngày cuối tháng 7, Hà Nội mưa bão. Mẹ Sam lại lên núi Mèo Vạc.
Khác với màu xám xịt của núi đá mẹ Sam thường thấy, mảnh đất hoang sơ này được khoác lên một tấm áo mới. Tấm áo có màu xanh của những ruộng ngô cao lút đầu. Tấm áo có màu vàng của dàn mướp mới trổ bông trên các bờ rào đá và màu phớt hồng của những trái đào trổ trĩu cành.
Chỉ có con người nơi đây là vẫn thế. Vẫn chân đất manh áo phong phanh. Vẫn cặp mắt nâu tròn ấm áp. Những mái tóc hung màu nắng và những nụ cười hồn nhiên luôn nở sẵn trên môi.
Trời mưa rát mặt và gió lạnh lùa qua các kẽ tay…
Mẹ Sam cùng các đồng nghiệp ngược gió lên thăm Mảy, bạn cùng lớp với Già theo lời gợi ý của cô Mạch, chủ nhiệm lớp 5C của Già và Mảy. “Mảy đáng thương lắm các em ạ. Nghe chị, các em lên thăm thử xem giúp được gì không. Mảy mà được các cô chú VKAN quan tâm như Già thì tốt biết mấy”. Nghe lời cô, mẹ Sam quyết lúp xúp áo mưa lên thăm Mảy.
Nhà Mảy xa và khó đi hơn nhà Già gấp 3 lần. Ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh bên sườn núi đá. Lúc mẹ Sam đến, Mảy đi cắt cỏ bò. Ở nhà chỉ có anh trai Mảy, chị dâu và 2 đứa trẻ con, 1 lên 3, 1 lên 6. Chị dâu Mảy ốm ngồi thu lu bên góc bếp. 2 đứa trẻ nô đùa ghẹo nhau, nằm lăn quay ra cả nền đất ẩm mốc. Ngôi nhà tạm bợ, tuềnh toàng, không có tài sản nào quý giá ngoài mấy cái ghế gỗ chỏng chơ.
Anh trai Mảy trong căn nhà của gia đình
Một góc của ngôi nhà
Anh Mảy ra tận cửa đón khách. Ngồi chơi được 1 lúc thì Mảy về, lọt thỏm trong gánh cỏ bò cắt về cho dê ăn nặng trĩu trên vai. Mẹ Sam lại nhớ lời cô Mạch cố dặn với trước khi đến thăm Mảy “Mảy nó học giỏi lắm. Vậy mà mấy lần suýt bị bắt bỏ học ở nhà. Nhiều lần đến lớp mặt mày thâm tím hết cả. Cô giáo và xã phải đến tận nhà can thiệp Mảy mới được đi học đến giờ này đấy”. Nhưng trước mặt mẹ Sam lúc này chỉ là hình ảnh của 1 cô bé người Mông 12 tuổi ướt nhẹp vì nước mưa với ánh mắt sáng lấp lánh và nụ cười thật tươi.
Nụ cười của Mảy
Giống với Già, bố Mảy mất năm Mảy lên 5. Mẹ Mảy tái giá và không bao giờ trở về nữa. Không được may mắn như Già, Mảy không được nhận trợ cấp mồ côi của xã do anh Mảy đã đủ tuổi trưởng thành. Mảy sống với anh trai và gia đình anh. 7 năm nay, không có việc gì không đến tay Mảy cả. Mảy lao động quần quật để sớm xong việc và để được đến lớp. 4 năm liền, Mảy là học sinh giỏi của lớp. Ở trường, ai cũng yêu cũng quý Mảy vì Mảy ham học lại luôn biết giúp đỡ những bạn khác học kém hơn. Cũng có lẽ vì đồng cảnh ngộ, Già và Mảy là một đôi bạn thân.
Mảy trong ngôi nhà nơi em sống cùng gia đình anh trai
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu ăn thường xuyên, hộ gia đình anh trai Mảy được bà con bầu chọn tham gia dự án “Bò cái sinh sản” của VKAN. Vậy là, cả nhà sẽ được nhận một con bò cái để nuôi. Đổi lại, anh trai Mảy phải ký cam kết cho Mảy học hết lớp 9. Nhưng Mảy lo lắm “em đi học, ai cắt cỏ cho bò cô nhỉ?”
Mảy cần lắm tấm áo mới cho ngày nhập trường. Mảy cần lắm đôi dép mới thay cho đôi tổ ong đã mòn vẹt. Và Mảy cần lắm những tấm lòng giúp Mảy có thể an tâm tới lớp. “Giờ nhà em 1 năm thiếu ăn 3 tháng. Vì vậy em cần làm nhiều để giúp gia đình. Nếu có đủ ngô ăn quanh năm, em sẽ yên tâm học cô ạ!”
Bài viết và hình ảnh rất ấn tượng …
Ở nơi biên ải miền sơn cước xa thẳm, miếng cơm manh áo, học hành với con trẻ thôn bản nghèo vẫn là những gì luôn luôn lôi cuốn, khát vọng và mãnh liệt nhất.
Xin thông báo tin vui đến cháu Mảy va gia đình: vợ chồng chị Giang anh Trung nhận hỗ trợ cháu Mảy ít nhất trong 1 năm tới với số tiền 500,000vnd/ tháng.
Cảm ơn chị Giang và anh Trung.
Rat vui. Xin chan thanh cam on chi Giang, anh Trung. Cam on chi Thuy da la cau noi.
Thanks Quynh, bài viết rất hay, rất thực, ngày 14/8 khi nhận được tin vui, Nhiên đã điện cho cô giáo chủ nhiệm của Mảy, chị Mạch đã khóc khi biết Mảy đã được VKAN làm cầu nối với gia đình chị Giang, anh Trung. Cảm ơn anh chị Giang-Trung. Rất vui được đưa anh chị lên Mèo Vạc thăm em Mảy.
Bai viet that an tuong, can co them nhieu bai viet tu thuc te cua cac ACE dang o thuc dia cac vung khac nua, chuc cac ACE khoe va nhieu thang loi moi.