Bò cái sinh sản – Giúp hộ gia đình nghèo có kế sinh nhai bền vững?

Với tâm huyết của anh Lê Minh Quân, cựu nhân viên Plan và lòng quyết tâm của anh chị em, mô hình nuôi bò cái sinh sản nhằm giúp các hộ gia đình nghèo có kế sinh nhai bền vững hơn đã được khởi động tại năm hộ gia đình ở xóm Nhù Cú Ha, xã Cán Chu Phìn, Mèo Vạc, Hà Giang.

 photo IMG_1919_zps19803770.jpg

Đường vào xóm Nhù Cú Ha, xã Cán Chu Phìn, Mèo Vạc, Hà Giang.

Dự án thử nghiệm này nhằm giúp đỡ các hộ nghèo nơi hẻo lánh, vùng sâu vùng xa, thoát nhanh khỏi cái nghèo thông qua nuôi bò nái sinh sản quay vòng, chuyển giao bê cho gia đình nghèo khác làm vốn, giúp họ trả nợ, và giúp con họ có thể đến trường.

Bước đầu, năm gia đình sẽ được hỗ trợ mỗi hộ một bò cái sinh sản. Trong vòng 2 năm, khi con bê đầu tiên được sinh ra, các hộ này sẽ tiếp tục nuôi bê cứng cáp đến 9 tháng tuổi rồi trả lại cho nhà đầu tư hoặc Vui Khỏe Ấm No để hỗ trợ hộ gia đình khác. Hộ sẽ được tiếp tục giữ con bò mẹ và các thế hệ bê tiếp theo. Tổng mức đầu tư đợt đầu dự kiến là 40 triệu đồng.

Hộ hưởng lợi do bà con cùng bình chọn đều là các hộ nghèo ở nhà tạm, hàng năm thiếu ăn từ 3 đến 6 tháng và có con em đang đi học. Các hộ tham gia chương trình đều cam kết cho con em mình được đến trường tối thiểu là hết lớp 9.

Bò giống được tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ và Thú y Huyện kiểm tra, xác nhận đủ tiêu chuẩn từ 12-18 tháng tuổi và được tiêm phòng dịch trước khi bàn giao cho hộ hưởng lợi đồng thời hỗ trợ tập huấn cách chăm sóc, phòng trừ bệnh . Hộ gia đình được nhận bò đóng góp việc tu sửa chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn cho bò và chăm sóc bò.

 photo IMG_1919_zps19803770.jpg

Hộ anh Hạ Mí Tủa đang làm chuồng chuẩn bị đón bò về 

Tính đến ngày 30 tháng 7, cả năm hộ được tiếp nhận bò đã hoàn thành việc tu sửa chuồng trại. Một hộ đã mua được bò với trị giá 8,600,000 vnd (hộ anh Hạ Mí Phứ). Con bò cái này đã được lấy giống vào ngày 29 tháng 7. Sau chín tháng, con bê đầu tiên của VKAN sẽ được ra đời.

 photo IMG_1919_zps19803770.jpg

Đại diện Quỹ tại Mèo Vạc trao bò cho gia đình anh Hạ Mí Phứ

 photo IMG_1919_zps19803770.jpg

Anh Hạ Mí Phứ đang cho bò mới ăn cỏ

Anh Hạ Mí Phứ chia sẻ: “Mình rất vui vì được nhận con bò này. Vậy là ước mơ của cả gia đình mình đã thành hiện thực. Mình sẽ chăm bò thật tốt để bò lớn nhanh, sớm đẻ bê con”.

Chúng tôi tin tưởng rằng thử nghiệm đầu tiên này sẽ thành công. Qua đó chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm và bài học về làm phát triển. Nhờ đó sẽ có nhiều hộ nghèo có được kế sinh nhai bền vững.

Xin chân thành cảm ơn anh Lê Minh Quân, bạn Vũ Ngọc Nhiên và tât cả các bạn đã nỗ lực cho hoạt động này.

Thông tin các hộ được bà con lựa chọn tham gia vào dự án thử nghiệm “Bò cái sinh sản” lần này:

This entry was posted in Bò cái sinh sản and tagged , . Bookmark the permalink.

13 Responses to Bò cái sinh sản – Giúp hộ gia đình nghèo có kế sinh nhai bền vững?

  1. nhien says:

    Hạ Mí Phứ đã Thể Hiện quyết tâm thoát nghèo bằng việc Lấy Giống cho Em Bò này vào ngày 26/7.
    Khoảng 9 tháng 13 ngày sau, thế hệ F1 của VKAN-Quỹ nuôi bò nái sinh sản sẽ Trình Làng.
    Chúc mừng hộ anh Hạ Mí Phứ.

  2. Thu Ba says:

    Xin chân thành cảm ơn anh Lê Minh Quân, chị Thủy, bạn Nhiên, bạn Quỳnh và tất cả các bạn đã nỗ lực rất nhiều trong nhiều tháng liền với hoạt động này. Mỗi lần nhận được một đoạn thông tin là: đã sửa được chuồng, đang trồng cỏ, đang tìm bò, chỗ này đắt, chỗ kia có thể hợp lý hơn…chúng tôi thực sự hồi hộp.

    Chúng tôi rất tin tưởng là hoạt động này sẽ không chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm mà sẽ được nhiều người ủng hộ.

    Tất cả cùng cố gắng nào! Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

  3. HBM says:

    Hoan hô anh Quân và các bạn Plan Hà Giang! Chúc dự án thành công!

  4. Thủy Nguyễn says:

    Vạn sự khởi đầu nan. Mình trông chờ ngày con bê đầu tiên của tiểu dự án này ra đời, và có nhiều nhiều hộ được tham gia dự án nữa.

  5. Quỳnh says:

    Em thì không sao quên được hôm rồi vượt núi ngược mưa lên thăm các hộ xem tình hình chuẩn bị đón bò đến đâu. 4 anh em lúp xúp áo mưa trèo núi mệt đứt hơi vậy mà vẫn thấy sướng. Sướng vì giờ Mèo Vạc đẹp lắm. Xanh ngắt 1 màu. Hoa trái tưng bừng khắp nơi. Chỉ cần với tay sang phải là có đào chín, với tay sang trái là có lê để chén. Chứng tụt huyết áp của em nhờ đó mà thuyên giảm ít nhiều (cụ thể là sau khi xơi liền 7 quả đào chín ngọt lịm :-)) Nhưng sướng hơn cả là khi thấy mọi thành viên của cả 5 hộ, từ nhỏ đến lớn, ai ai cũng phấn khởi. Bé Mảy, em anh Hạ Mý Tủa còn bảo em “Ước mơ lớn nhất của em là được hàng ngày đi cắt cỏ cho bò ăn”. Thế mới thấy con bò có ý nghĩa thế nào với các gia đình này. Một lần nữa, cảm ơn anh Quân và tấm lòng của anh, cảm ơn chị Thu Ba, chị Thủy đã khởi xướng các hoạt động của VKAN và đặc biệt cảm ơn các bạn Mèo Vạc đã không quản ngại vất vả!

  6. pham van chinh says:

    Dear Các Chiến Hữu ơi ơi

    Chúc mừng Các chiến hữu đã lập chiến công bước đầu rất hoành tráng nha

    Xin chia sẻ một vài ‘ưu điểm kỹ thuật’ về mảng dự án ‘bò cái sinh sản’ này:
    (Không hiểu ở Mèo Vạc, khuyến nông địa phương có khuyến khích Bò vàng ta lai với Bò đực Sind F1 (India) không!?, vì bò lai có nhiều ưu điểm lợi thế cao):

    – Bò lai Sind được tạo ra do bò đực giống Red Sind giao phối với bò cái ta.
    Đặc điểm ngoại hình: Đầu dài, trán dồ, lông vàng màu cánh gián, tai cúp, yếm phát triển, u vai cao (nhất là con đực), bầu vú phát triển vừa,
    Đặc điểm sinh trưởng: Bò cái trưởng thành nặng: 250-300 kg. Bò đực:400-450 kg. Bê sơ sinh: 18-20 kg. Thích nghi rộng ở nước ta. Tuổi thành thục: 8 -12 tháng tuổi. Phối giống: 18 -24 tháng tuổi. Thời gian mang thai: 280-285 ngày (9 tháng 10 ngày). Tuổi và trọng lượng thích hợp phối giống lần đầu đối với bò cái lai sind là 18-24 tháng tuổi và trên 200 kg.

    – Chọn bò nuôi (bò cái, bò vàng): Tầm vóc lớn, thể chất khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, da bóng, lông mượt, mông to. Đầu thanh mắt sáng, ngực sâu, hiền lành. Vú phát triển cân đối. Bốn chân thẳng, khoẻ, móng khít… Con bò có đặc tính này sẽ mắn đẻ và nuôi con tốt.

    Theo dõi biểu hiện lên giống lại của bò cái, thường nên phối giống lại vào khoảng 85 ngày sau khi đẻ. Nếu sau 60 ngày sau khi đẻ bò không lên giống trở lại thì phải xem xét lại. Phải cai sữa đúng lúc để khai thác bò được lâu dài.

    • Hoa Cải says:

      Hi anh Chính như là nhà nuôi bò học ý nhỉ, đã thực tế chưa hay là lý thuyết đấy anh Chính ơi?

      • Van Chinh says:

        Hehe

        Cách đây khoảng chục năm, chúng ta có làm dự án hỗ trợ nuôi bò cho hộ gia đình nghèo … và đã từng triển khai dự án bò Sind F1 lai bò vàng địa phương chương trình hợp tác với khuyến nông huyện., hỗ trợ hàng trăm hộ gia nghèo tại Sông Thao (nay là Cẩm Khê) Phú Thọ.,

  7. Chú sĩ Thúy says:

    Rất rất ấn tượng về cách làm “chuyên nghiệp, transparent” của anh em. Chắc chắn là sẽ hiệu quả tốt cho các hộ nghèo.

    Việc hỗ trợ cho dân 4 huyện núi đá HG nuôi bò đã có từ năm 2000. Tất nhiên một số nơi do cách làm và thiếu kỹ thuật nên đầu voi, đuôi chuột. Nay chỉ lưu ý về nuôi bò vì chúng ta làm số lượng ít và muốn để lại hiệu quả để thu hút các nhà hảo tâm sau này. Về mặt kỹ thuật, có thể những điều này cũng đã được tập huấn cho các hộ trước lúc nhận bò, tuy nhiên đồng bào cũng chóng quên nên xin chia sẻ với anh em 1 vài lưu ý sau để tiếp tục tư vấn, hướng dẫn các gia đình chăm sóc. Việc này là rất quan trọng.

    1) Nguồn thức ăn: Mùa đông thức ăn rất thiếu cho bò. Nên cần tư vấn các hộ trồng cỏ (gọi là cỏ Guatemala) giống chịu đựng rất tốt, chỉ cần trồng vài búi cạnh nhà là có thể đủ thức ăn cho 1-2 con bò. Giống cỏ này ko thiếu và rất rẻ, Trạm Khuyến nông huyện có thể hỗ trợ.
    2) Hướng dẫn các hộ khi mùa mưa cỏ tốt thì cắt, phơi rồi dự trữ cho bò vào mua đông. Cách dự trữ cũng rất đơn giản là gác lên mái chuồng bò hoặc dưới mái nhà tránh khu vực bếp ra.
    3) Về chống rét cho bò: Bò chịu rét tốt hơn trâu, nhưng rét Mèo vạc thì ko đùa đc. Chống rét bằng quây bạt dứa hoặc nilon quanh chuồng. Tuy nhiên làm chuồng kiểu nhà sàn sẽ là khó khăn vì gió lùa từ dưới lên. Có thể khi trời rét nên “hạ” bò xuống mặt đất.
    4) Tiêm phòng định kỳ hoặc khi có dịch bệnh. Cái này thì hộ nghèo đc miễn phí, chỉ cần nhắc họ đăng ký Thú ý viên xóm/xã thì sẽ đc tiêm theo chính sách
    5) Cuối cùng là chăn thả cần lưu ý tránh nơi dốc đá, trơn trượt vì bò dễ ngã khi trời mưa, đá trơn. Nếu nhóm hộ quây lại chọn 1 bãi phẳng khoảng 1-200m2 để thả và luân phiên trông coi là tốt nhất. Nếu trời rét đậm kéo dài thì chọn khe núi, hang nhỏ cho bò vào và che bạt dứa hoặc nilon tránh gió.

    Chúc thành công!

  8. patorixi53c says:

    Anh Nhiên phải hết sức cố gắng nhé, anh mà không hỗ trợ để em bò này có baby là anh có lỗi đấy =))))
    Tây

  9. Hương says:

    Cảm ơn anh Quân về ý tưởng tuyệt vời này. Hy vọng về sự phát triển bền vững cho các gia đình được hỗ trợ.
    Nghe bạn Nhiên nói về khoảng thời gian 9 tháng 13 ngày mà cảm giác như VKAN đang thai nghén chú bê vậy, hồi hộp lắm đây, nghĩa là chờ đến khoảng tháng 5/2013….

  10. Van Chinh says:

    Thứ Sáu, 3/8/2012, 10:11 Sáng
    Chợ bò ở Mèo Vạc
    QĐND – Nếu ai từng một lần tới chợ bò ở Mèo Vạc (Hà Giang), hẳn sẽ không thể nào quên nét độc đáo của phiên chợ có một không hai ở miền núi phía Bắc này. Đến chợ, bà con người Mông không chỉ mua bán bò, mà còn để giao lưu, tâm tình, trao đổi kinh nghiệm về chăn nuôi và chăm sóc bò.
    Chúng tôi có mặt ở chợ từ lúc 5 giờ sáng, những tưởng chợ vẫn thưa người, thế nhưng từ xa đã nghe thấy tiếng nói cười ồn ã cùng với tiếng chân bò giậm thình thịch dưới mặt đất. Hỏi ra mới hay, để đến kịp giờ, bà con phải dậy từ lúc gà chưa gáy. Những ai ở xa còn phải trèo đèo, lội suối cả chục cây số đường rừng để góp mặt tại phiên chợ chỉ họp vào chủ nhật hằng tuần này.

    Một góc phiên chợ bò ở Mèo Vạc (Hà Giang).
    Điều chúng tôi ấn tượng nhất tại chợ bò ở Mèo Vạc, chính là sự hội tụ gần như đầy đủ những nét sinh hoạt đặc trưng của cuộc sống vùng cao này. Đàn ông và phụ nữ đều mang mặc trang phục truyền thống. “Bắt mắt” nhất là những bộ quần áo rực rỡ sắc màu của chị em, với những nụ cười e ấp… Trẻ em thì lẽo đẽo theo sau bố mẹ. Có em còn rất nhỏ nhưng đã biết dắt bò, trông bò giúp người lớn. Phía bên ngoài khu mua bán bò là các hàng ăn với những chảo thắng cố to, nóng hôi hổi hoà quyện hương vị cùng rượu ngô thơm nồng, hấp dẫn. Độc đáo hơn nữa là bà con đến chợ không hẳn để mua bán bò, mà có khi lặn lội hàng chục cây số chỉ với mục đích: “Khoe” với chúng bạn về con bò nhà mình.
    Đến chợ, chúng tôi như bị “ngộp” bởi hàng ngàn con bò xếp hàng ngang đều tăm tắp. Nơi vùng cao giá lạnh là thế, nhưng bà con vẫn nuôi được những con bò khoẻ mạnh, béo mũm mĩm, lông vàng óng, trông thật thích mắt. Và có một điều khiến chúng tôi rất trân trọng ở một phiên chợ đông đúc nhưng không hề thấy sự bon chen, xô đẩy. Dường như đó chính là sự chân thật, một nét văn hoá cộng đồng rất đẹp của bà con người Mông. Tất cả đọng lại là tiếng cười, sự thân thiện cùng thái độ ứng xử rất văn hoá.

    Bài và ảnh: Trang Nhung

  11. Nam Ngo says:

    Chuc mung cac ban Plan HG nhe, van su khoi dau nan, nhung quyet tam chac chan se co ngay duoc hai qua, minh cung da di nhieu vung ngheo nhung cai ngheo cua HG that la khac nghiet so voi cac vung khac, minh cung hoi hop doi cho su thanh cong cua cac ban, ket qua nay khong chi co y nghia thuc te ma no co the lam evidence de doi moi chinh sach tro giup tre em o cua chinh phu o VN.
    Chuc cac ban thanh cong.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *