Chuyện của bé Già – phần 1

Mẹ Sam quay lại Mèo Vạc sớm hơn dự định. Vẫn ngót hai ngày đường vượt núi và mưa gió lạnh mới lên đến nơi nhưng chuyến đi công tác lần này có nhiều cái khác. Mẹ Sam và các bác đồng nghiệp có thêm một nhiệm vụ mới – chuyển quà của các bố các mẹ đến tận tay các con Mèo Vạc.

Mới cách đây chưa đầy một tháng, rất tình cờ khi thăm các trường ở trung tâm xã Cán Chu Phìn, nơi không quá xa trung tâm huyện Mèo Vạc, mẹ Sam gặp cô bé Hạ Thị Già. Mẹ Sam thấy Già cùng bạn ăn cơm trưa của trường nội trú trên cái vuông chợ con con mới được lát xi măng trước cửa trường. Già mặc áo hồng, quấn khăn hồng che nửa mặt, cắm cúi ngồi ăn cùng 5-6 bạn. Cô bé Già rụt rè, nói tiếng Kinh còn chưa sõi lại thêm bệnh đau gáy do phải sớm làm việc nặng, nhưng xinh xắn, có làn da trắng hồng như trái đào trên núi và cặp mắt màu nâu điển hình của người H’mông.

Bé Già 

 Mẹ Sam và bé Già

 12 tuổi, học lớp 5 nhưng Già bé hơn nhiều so với bạn cùng trang lứa ở Hà Nội. Nghe cô giáo kể chuyện về Già, mẹ Sam thấy như không tin vào những điều mình vừa nghe…

Năm Già mới lên 3 tuổi, bố Già bỗng nhiên mất tích. Có thể xác bố vẫn đang phải nằm trong một hốc đá hoặc con vực nào đó… 1 năm sau, mẹ Già đi lấy chồng bỏ lại 3 anh em Già: Chứ 6 tuổi, Và 5 tuổi và Già 3 tuổi. Nghe nói mẹ Già đi lấy chồng ở xóm bên và giờ đã có thêm mấy người con. Già cũng chỉ nghe người ta nói thế chứ chưa bao giờ gặp lại mẹ cả… Bà nội và chú út từ đó đùm bọc cả 3 anh em Già…

1 năm sau, chú út mới học xong lớp 5 nhưng bà nội bắt chú thôi học để lấy vợ. Phải lấy vợ thì mới có người làm. Phải lấy vợ thì lũ trẻ mới có người chăm sóc. Thế là chú út cưới vợ. Vợ chú là 1 cô trong xóm. Cô cũng thôi học để lấy chồng. Vậy là, nhà Già có 6 người: bà nội, chú thím và 3 anh em.

Lần lượt, thím sinh liền 2 em gái. Già được “lên chức” chị đồng nghĩa với hàng ngày, ngoài thời gian đến lớp, Già giúp chú thím việc nương rẫy, giúp bà việc nhà, lên núi lấy nước kiếm củi, cắt cỏ bò, tẽ ngô nấu cám…và thêm việc trông em. Già cắp nách đứa nhỏ, dắt theo đứa lớn và cứ thế mà đi. Đi lớp. Đi rừng… Chúng nó quấn Già còn hơn quấn mẹ.

Dấu vết của công việc lao động trên bàn tay em 

Từ nhà chú út đến trung tâm xã nếu đi bằng ô tô và xe máy mất 30 phút nhưng hàng ngày Già phải đi bộ 2 tiếng đồng hồ mới đến được lớp học và về mất 2 tiếng nữa đi về. Các bạn khác trong xóm được ở lại trường nội trú cuối tuần mới về nhà nhưng Già chẳng được thế vì lấy ai giúp chú thím? ai trông các em?

3 anh em mồ côi nhà già mấy năm nay có tiền bảo trợ của phòng Thương binh xã hội. 400,000 đồng một đứa mỗi tháng. Vậy là cả 3 đã có 1,200,000 đồng. Bà nội Già giữ rịt số tiền này trong cạp váy, khâu 3 lần chỉ, tằn tiện các khoản chi tiêu. Cứ như thế sau 9 năm, anh Chứ đã 15 tuổi, anh Và 14 tuổi và Già 12 tuổi thì bà tiết kiệm đủ tiền làm lại nhà cho 3 đứa cháu tách hộ ở riêng. Người ta xây sửa nhà phải mất 20 triệu đồng, bà nội làm nhà cho 3 anh em Già hết có 5 triệu. Gọi là vá víu lại nhưng cũng được cái nhà con con trên nền ngôi nhà cũ của bố mẹ Già.

Ngôi nhà mới của 3 anh em Già

Nhà cũng có hàng rào đá, chuồng bò, chuồng lợn và gác xép cất ngô như các hộ H’mông khác. Người Mông cần gác xép để cất ngô ăn dần. Bà nội còn mua thêm cả 1 con lợn cho các cháu làm vốn. Bà xót con cháu nội của bà, đứa cháu mồ côi từ sớm và mới tí tuổi đầu mà làm việc bằng 2, bằng 3 người lớn. Bà còn xót hơn khi mỗi lần con Già bị đánh mà bà không đủ sức can. Suy nghĩ nhiều lắm, cố gắng nhiều lắm và kiên trì đợi các cháu lớn thêm chút nữa, cho các cháu ở riêng cũng làm bà thấy yên lòng hơn.

Lần này trở lại Cán Chu Phìn, mẹ Sam đến tận xóm Nhù Cú Ha thăm 3 anh em Già.

3 anh em coi như đã trường thành để có cuộc sống tự lập và tự do hơn nhưng Già sẽ nhớ lắm những ngày 3 anh em ở bên nhà chú út. Già sẽ nhớ cả những trận đòn của thím nữa. Nhưng mà Già không giận thím. Mới 12 tuổi đầu nhưng Già cũng hiểu là thìm vất vả lắm. Thím 25 tuổi mà nhìn hom hem như bà lão. Cả năm cả tháng chả mấy khi thấy thỉm ngẩng đầu lên. Hết úp mặt vào mấy hốc đất trồng ngô thì lại mặt vào chảo cám. Trong đầu thím chắc chỉ quanh quẩn toan tính xem liệu có đủ ngô cho cả nhà ăn quanh năm, hay thiếu ăn thì làm cách nào dằn cái bụng rỗng… Không có Già thì thím biết trút cái bức bách vào đâu? Đánh mắng Già âu cũng là cách giải tỏa tốt cho thím để tiếp tục làm lụng nuôi con nuôi cháu chồng.

Bà nội dù đã già yếu nhưng cũng phải thay Già đảm đương việc nhà chú út. Bà bảo thím bà làm để đổi công cho con Già ra ở riêng với các anh.

Bà và Già trong ngôi nhà mới

Cả tháng qua, từ khi ở riêng, 3 anh em Già thay nhau lên lớp lên nương tự nuôi nhau. 3 anh có 4 cái bát, 4 cái thìa, 2 cái nồi, 1 cái chảo nấu cám lợn và vài ba cái quẩy tấu cất đồ lặt vặt và 6 bộ quần áo.

Bộ đồ nấu nướng của anh em già 

Quẩy tấu cất ngô của anh em Già 

Chưa có giường chiếu chăn đệm trong những ngày đầu đông thì 3 anh em “sáng tạo” biến gác xép để ngô thành giường, ngô làm đệm, quần áo làm chăn. Vẫn ấm chán!

Chỗ ngủ của anh em Già bên đống ngô

Mẹ Sam thấy lặng đi khi nhìn thấy cái chăn bông, món quà mẹ Sam tặng Già trong lần gặp trước còn mới coong treo trang trọng giữa nhà. Già lí nhí nói Già sợ dùng chăn sẽ cũ đi mất. Già muốn giữ cái chăn lâu thật lâu… Cái chăn bông ấy đối với anh em Già như 1 thế giới khác. Cổ nghèn nghẹn nhưng mẹ Sam cố không bật ra tiếng khóc. Anh em Già khổ thế mà còn không một tiếng khóc cơ mà…

Già tiễn các cô các chú ra tận cửa. Ngoài trời gió lạnh nhưng ai cũng thấy ấm lòng hơn vì mẹ Sam biết rằng 3 anh em Già sẽ no và ấm hơn vì đã có thêm mỳ tôm, áo ấm và chăn ấm do các bố mẹ tại Plan và bạn bè của họ gửi lên. Già đã hứa với mẹ Sam là nếu 3 anh em không mang chăn ra dùng thì lần sau các cô chú sẽ không lên thăm con nữa…

This entry was posted in [02-HG] Bé Già, 1. Những câu chuyện nhỏ của con and tagged , , . Bookmark the permalink.

3 Responses to Chuyện của bé Già – phần 1

  1. Xiêm GIZ says:

    Phục các bạn quá. Thời gian đầu mà các bạn lại làm được công việc tình nguyện nhưng chất lượng và hiệu quả thì cứ như là loại công việc được trả lương cao vậy. Trang blog rất tuyệt vời, giao diện đẹp, dễ navigate, chất lượng bài viết thì hay gấp nhiều lần các bài viết trên các báo chính thức. Đọc qua qua chút xíu mà thấy rung động quá.

  2. Hương Risk says:

    Cảm ơn chị Xiêm ghé blog nhé! Chị làm communications chuyên nghiệp mà comment thế khích lệ bọn em lắm đấy!

    • Quynh says:

      Cảm ơn chị Xiêm rất nhiều vì đã động viên chúng em. Hãy đồng hành cùng chúng em, chị nhé :* !!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *