Trong cái rét của mùa đông, người bác dâu của gia đình đưa tôi đến căn nhà đằng sau một khu vườn. Nói là nhà cho oai, chứ thực ra đấy chỉ là cái chòi rộng khoảng 9 m vuông, dựng tạm bằng tường trình và mái phibro xi măng nhờ tiền hỗ trợ của Nhà nước. Ngôi nhà lọt thỏm đìu hiu trong khu vườn trống hơ trống hoác, lại vào hôm trời mưa nên trông càng hoang tàn hơn. Bên trong nhà, không có vật dụng gì đáng giá đến 100 trăm ngàn: chiếc xe đạp cà tàng đang nằm trỏng trơ thách thức với thời gian, cái giường cùng cái chăn rách nát, khá hơn là vài bộ quần áo còn nguyên vẹn. Nếu ai không biết lại cứ tưởng đây là mô phỏng lại nhà chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, khốn nỗi bây giờ đã là thế kỷ 21. Nhưng quả thật, ở cái đất sản sinh ra loại vải thiều nức tiếng, loại cam canh nổi tiếng một vùng vẫn còn có một ngôi nhà như thế của “chị Dậu sót lại” – chúng tôi mạn phép gọi như vậy.
Một góc của ngôi nhà
Ngôi nhà mà tôi vừa kể là của 3 mẹ con cháu Lý Thị Yến, thôn Cấm Vải, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn. Trong buổi chiều lạnh, trời mưa tầm tã, chúng tôi chăm chú lắng nghe người bác dâu kể về cuộc đời mẹ cháu Yến. Số phận chị không may mắn như nhiều người phụ nữ khác, chị sinh ra trong gia đình thuần nông, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng không đủ ăn, lại thêm cái bệnh không làm chủ được hành vi do bị sởi chạy vào lúc chị mới được hai tuổi rưỡi (theo anh Xuân anh trai của chị nói). Tuổi thơ của chị thiệt thòi khi không được học hành như bạn bè, lớn lên chị chỉ biết trông vào sự trợ giúp của người mẹ già và những người anh em của chị. Ông trời đã cho chị hai đứa con, trớ trêu thay sinh con ra nhưng chị lại không đủ khả năng nuôi chúng. Dường như cuộc đời cứ luôn thách thức những người khốn cùng.
Hai mẹ con Yến trước cửa nhà
Ba mẹ con chỉ với 1 sào ruộng, không nghề nghiệp đã khó sống chứ chưa nói gì đến cho con ăn học. Đứa con lớn đã phải bỏ học giữa chừng khi mới 10 tuổi, đã đi làm thuê trong miền Nam và rồi gia đình cũng chẳng biết nó đi đâu nữa, lâu lắm rồi không nhận được tin tức. Tội nghiệp nó, mới 14 tuổi đầu đã phải tha phương kiếm ăn.
Rồi bác dâu lại nhìn sang cháu gái thứ 2 tên Yến, xinh xắn, thông minh, ham học và học khá giỏi. Vậy mà mẹ lại phải cho cháu nghỉ học vì nhà chẳng có tiền. Mỗi năm cứ học được vài tháng cháu lại nghỉ học đi làm với mẹ, vì thế 8 tuổi mà vẫn cứ học lớp 1. Bây giờ, mẹ nó đi đâu và nó lại đi theo đó. Khốn nỗi người mẹ bị bệnh như thế cũng chỉ làm phu hồ, hoặc người ta bảo gì thì làm đấy, tiền công cũng chỉ là chỗ ngủ tạm bợ và bữa cơm qua ngày. Hết việc của nhà này, hai mẹ con lại dắt nhau sang nhà khác tìm việc. Kể đến đây, người bác lại thở dài.
Một người bà họ bên ngoại của Yến cũng cùng ngồi với chúng tôi, thỉnh thoảng lại đưa tay lên quẹt nước mắt. Bà bị câm, nhưng qua hành động của bà chúng tôi hiểu: bà muốn nuôi cháu lắm, nhưng lực bất tòng tâm, họ hàng cũng khó khăn nên thấy cháu khổ cũng đành chịu.
Trong lúc chúng tôi nói chuyện, Yến mân mê quyển sách như nuối tiếc điều gì đó. Khi nhắc đến các bạn và thày cô, mắt cháu sáng lên, khuôn mặt cháu tươi tình hẳn. Cháu hớn hở khoe với chúng tôi những tập vở đạt điểm cao. Tôi thấy nét chữ của cháu rất tròn, sạch đẹp.
Dù đã nghỉ học hơn hai tháng nhưng cháu vẫn nhớ các phép tính và đọc rõ ràng từ dòng chữ trong cuốn sách. Khi tôi hỏi: cháu có muốn trở lại lớp với thầy cô và các bạn không?. Cháu gật đầu: cháu muốn lắm, cháu mong mẹ có đủ tiền mua gạo, trở về nhà và cháu được đi học. Cháu nhớ các bạn lắm. Nói đến đây, cháu rưng rưng nước mắt.
Yến nhớ lại những ngày còn được đến trường
Cùng đi với chúng tôi có thày Hiệu phó trường nơi Yến học, anh chia sẻ: nhà trường biết rõ trường hợp của cháu, đã động viên gia đình cho cháu đi học trở lại nhiều lần, nhưng chỉ được một thời gian, cháu lại nghỉ học để đi theo mẹ kiếm tiền. Chúng tôi mong có sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân để cháu có điều kiện quay lại trường.
Bất chợt, tôi nhìn ra xa, đời ông bà, đời mẹ nghèo khổ vì thiếu học thiếu kế sinh nhai, liệu em có thoát được cái nghèo luẩn quẩn khi không được đến trường?
Khi chúng tôi ra về bỗng dưng, trời tạnh mưa và hửng nắng. Được đi học tiếp như bao trẻ khác là mong muốn của em, mong sao em nhận được sự giúp đỡ từ nhà hảo tâm nào đó để em có cơ hội được thay đổi tương lai của mình!
Đỗ Thị Anh Châm
Bắc Giang, tháng 2/2013
Cảm ơn đội Bắc Giang đã chia sẻ. Anh Nhuận và đội Bắc Giang mới cập nhật là đã dùng quỹ Hỗ trợ khẩn cấp hỗ trợ gia đình (1 tạ gạo) và cùng với nhà trường, tình nguyện viên và Xã động viên gia đình. Cháu đã đi học trở lại nhưng thực sự cần sự giúp đỡ lâu dài hơn để cháu không phải bỏ học.
Cập nhật luôn với anh chị em nhé. Chị Nguyễn Thị Thúy – Nguyên Gender Advisor của Plan đã nhận hỗ trợ trực tiếp trường hợp này. Cam kết ban đầu là VND 500,000/ tháng x 6 tháng. Anh Nhuận, Châm và đội Bắc Giang thảo luận với gia đình xem số tiền này dùng thế nào cho hiệu quả nhé với điều kiện là cháu tiếp tục được đi học. Có thể tham khảo trường hợp Mo ở Xín Mần và Hoàng Su Phì
Cám ơn rất nhiều. Vui quá.
Cảm ơn chị Thu Ba và chị Thúy nhiều lắm.
Tin vui quá. Quý quá. Cám ơn Thu Ba đã kết nối.