Vào những này cuối đông năm 2013, gió lạnh se sắt, khi mọi người đã bắt đầu chuẩn bị đón Tết thì thị trấn Cốc Pài đón 1 đoàn khách lạ từ Hà Nội với lỉnh kỉnh các thứ như bánh chưng, bánh kẹo , dầu ăn và những bó chăn lớn. Đó là chuyến đi đầu tiên của quỹ “Cho đi là còn mãi” thuộc câu lạc bộ “Sống với đam mê” do chị Hoàng Bích Hồng làm trưởng nhóm cùng các bạn trong nhóm. Mong muốn của Nhóm là được thăm các cháu trẻ em dân tộc sống và học tập ở trong thôn bản ra sao, và đặc biệt là Nhóm mong muốn được xây dựng 1 trường học cho các cháu.
Buổi sáng ngày 22 tháng 12, đúng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt nam, sau khi thưởng thức bát phở nóng theo hương vị của Người H’mông bên cạnh bếp củi nghi ngút khói trong chợ Cốc Pài, cả đoàn đi vào thôn Đoàn Kết – xã Bản Ngò để thăm điểm trường mầm non. Khi xe đến đầu thôn, cả người lớn và trẻ em đều chạy ra xem. Có lẽ chẳng mấy khi họ được thấy chiếc ô tô to cùng những người lạ đến thăm. Thế rồi sau đó, khoảng cách và sự xa lạ nhanh chóng bị xóa đi khi các cháu rụt rè ăn những chiếc bánh chưng nhỏ và giò một cách ngon lành, còn chị Hồng (hơi béo), và một chị Hồng (hơi gầy), cùng chị Hạnh thì nhắm mắt uống những giọt rượu cay nồng do các già bản đưa tận tay… Đối với người dân và trẻ em thôn Đoàn Kết, năm nay Tết đến sớm hơn mọi năm vì những cành đào đã nở hoa và hương vị của bánh chưng, giò lụa cùng tiếng cười nói rộn ràng của trẻ con và cả người già.
Vậy mà đã hơn 2 năm từ chuyến thăm đầu tiên. Ngôi trường với 2 phòng học (34 m2/phòng), nhà vệ sinh 2 ngăn (12 m2) và bếp ăn (16 m2) và bể nước 6 m3 đã mọc lên khang trang. 80 m2 sân trường được lát bê tông để các cháu có thể vui chơi sau những cơn mưa. Nhưng đẹp nhất là là hàng rào xanh mà chính các cô giáo và bà con trong thôn trồng thay vì một bức tường bê tông lạnh lẽo. 25 cháu (14 bé gái) của 62 hộ người Tày đã được học trường mới từ năm học 2015.
(Ngôi trường mới khang trang, sạch sẽ cùng đầy đủ trang thiết bị học tập cho các em)
Ai đến thăm ngôi trường cũng đều trầm trồ khen vì trường nằm ngay cạnh thôn, các cháu chỉ mất 5-10 phút đi bộ. 2 phòng học còn thơm mùi vôi mới, bàn ghế cùng các đồ chơi đều được mua từ Hà Nội mang lên. Chẳng bù cho những ngày học trong ngôi nhà tường đất và trần nhà như có thể rơi xuống bất cứ lúc nào…
Thế nhưng, có ai biết rằng chặng đường hơn 2 năm xây dựng ngôi trường còn có bao nhiêu trắc trở, khó khăn. Thế mới biết để làm được việc tốt cũng không phải là dễ. Những nghi ngại, chưa hiểu nhau hay những cách hiểu về văn hóa…và cả những việc sử dụng chưa tốt tiền từ thiện ở chỗ này, chỗ khác cũng ảnh hưởng không ít đến quá trình xây trường. Với những người ngại phiền hà, có lẽ cứ mua vài chục cái chăn, quần áo rét hay ít bánh kẹo đến phát là nhanh nhất. Thế nhưng ai cũng ngại khó thì bao giờ các cháu được học ở ngôi trường mới?
Quỹ của “Cho đi là còn mãi” không phải là tiền của 1, 2 người mà là tiền quyên góp của nhiều người. Có những người chỉ góp 1-2 triệu nhưng họ hoàn toàn có quyền chất vấn tiền của học được sử dụng ra sao? Hồ sơ có đầy đủ và minh bạch không? Để trả lời cho hàng trăm con người có tấm lòng thiện nguyện, nhưng cũng có lúc này, lúc khác đã từng bị mất lòng tin… là không hề đơn giản.
(Ngôi trường trước khi được xây dựng)
Có lẽ nhớ nhất là Hội thảo xây trường vào tối ngày 19 tháng 10, tức là sau chuyến thăm gần 1 năm tại khách sạn Huyền An với sự tham gia của Nhóm chị Hồng, UBND xã Bản Ngò, chị Hòa chủ tịch Huyện và nhân viên Plan International Việt Nam. Sau phần ăn tối và văn nghệ rất vui vẻ của cả hội thảo, những tưởng mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ thì hội thảo nóng lên với những chất vấn từ phía nhóm từ thiện khi bàn về việc giám sát tiền chuyển về UBND xã Bản Ngò ra sao? Nếu tiền chuyển về mà ngôi trường không được xây dựng như thiết kế thì sẽ xử lý như thế nào? Đỉnh điểm là một câu nói hơi thiếu kinh nghiệm của 1 thành viên nhóm từ thiện là “chúng tôi chẳng tin ai…cứ phải sản phẩm cụ thể…” Thật ra thì cũng không có gì là lạ bởi mỗi chúng ta cũng đã từng bị mất niềm tin khi quá tin 1 điều gì đấy tốt đẹp. Nhưng thôi, mất lòng trước, được lòng sau. Với tài dẫn dắt cuộc trao đổi của anh Trung, một thanh niên trẻ của quỹ “Cho đi là còn mãi”, cuộc hội thảo đã đi đến thống nhất. 450 triệu cũng đã được chuyển về cho tài khoản của UBND xã Bản Ngò làm 3 lần, buổi khởi công được tổ chức thật hoành tráng với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc của các cháu – những người sắp được học trong ngôi trường mới. Bí thư Huyện ủy Xín Mần cũng đến dự và đóng góp 5 triệu cho quỹ xây trường. Huyện cũng đối ứng 80 triệu và ngay cả nhà thầu cũng tự nguyện giảm giá 50 triệu (một chuyện hiếm gặp…). Buổi khởi công cũng là một kỷ niệm đáng nhớ với nhân viên Plan International Việt Nam khi kỹ sư Kiên – người thiết kế chính và anh Sơn – người cầm lái vĩ đại chẳng được ai nhận ra và mời nước, kể cả chủ tịch xã! Có lẽ không khí nhộn nhịp đông đúc quá khiến Ban tổ chức lại quên mất những nhân vật chính… sau cánh gà. Nhưng không sao mà. Có ai thấy móng nhà đâu nhưng thiếu nó, những mái tôn đỏ, những cánh cửa sao còn long lanh, rực rỡ được!
(Lớp học trước khi được xây dựng)
Và đến giờ, cứ mỗi khi nhìn hoa đào nở, gió lạnh thổi về từ dòng sông Chảy, tôi lại nhớ chuyến đi đầu tiên của Nhóm, nhớ tiếng suýt xoa vì bát phở nhiều ớt cay của các bạn, nhớ cái ôm thắm thiết của các bạn như quyết tâm cùng nhau xây trường. Quả thật, ca sỹ Trần Lập đã từng viết “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân ta thấm đau vì những mũi gai…” Cảm ơn các bạn trong Nhóm “Sống với đam mê” và quỹ “Cho đi là còn mãi”, cảm ơn anh Thanh – dù chân thấp chân cao mà bao lần vào kiểm tra tiến độ, cảm ơn Kiên và anh Sơn – tuy bị quên nhưng không lãng đi nhiệm vụ của mình, và chắc chắn nếu Thu Ba không giới thiệu Hồng với anh Thắng thì biết đâu, ngôi trường này sẽ mọc lên ở một nơi khác chứ không phải Xín Mần.
Mùa xuân đã về, hàng rào xanh cây đang lên, những tiếng hát trong trẻo của các cháu đang vút lên… Dù đường còn dài với biết bao khó khăn, để học giỏi đâu chỉ có mái trường… nhưng chính mái trường đã thắp lên niềm tin giữa những người tuy cách xa về địa lý nhưng lại gần nhau về mơ ước. Và rất có thể, sau này, 10 năm nữa, 20 năm nữa, từ mái trường nhỏ bé này lại có những con người đang đóng góp công sức thay đổi diện mạo Xín Mần, đưa quê hương thoát khỏi đói nghèo. Tôi tin chắc chắn là vậy.
Nguyễn Chiến Thắng Xín Mần, Hà Giang Tháng 01 năm 2016.
Ngôi trường mới khang trang đẹp rất đẹp và chắc chắn rằng các bé sau 15-20 năm nữa sẽ là những người xây dựng Xín Mần phát triển tốt! Nhân dịp năm mới Bính Thân, kính chúc anh chị VKAN & quỹ “Cho đi là còn mãi” sức khỏe và hạnh phúc!