Ước đi học để có tiền nuôi em

Tôi không tin vào tai mình khi nghe kể về hoàn cảnh gia đình Thủy: “Mẹ nó mất khi chưa đầy 40 tuổi, sau khi sinh đứa con thứ 8 được 3 tiếng đồng hồ. Nó giờ học hết lớp 9, ở nhà thay mẹ chăm một đàn em nheo nhóc”.

Chúng tôi đến nhà Thủy lần đầu tiên vào một ngày đầu tháng 7, thời tiết vừa mát mẻ lại được một chút sao mấy ngày nắng khô nứt đất để bà con nhổ lạc. Căn nhà của gia đình em ở trên một ngọn đồi khô cằn, trơ trụi. Đường vào nhà em gập ghềnh, quanh co, nói là đường vậy thôi chứ vào được nhà phải đi nhờ qua 2 sân nhà hàng xóm. Ngôi nhà tường ráp bằng ván gỗ và lá hở toang hoác, ban ngày ánh nắng rọi thẳng vào nhà và khi đêm xuống thì ngắm được cả ánh sao rọi.

 photo 1_zpsf9b858a3.jpg

Căn bếp trong góc ngôi nhà ghép bằng những mảnh ván

Gia đình em Đinh Thị Thủy thuộc diện “nghèo đặc biệt” trong 504 hộ nghèo của xã Hồng Hóa (Quảng Bình) nơi tỷ lệ hộ nghèo lên đến 65,8%. Có tới 9 miệng ăn mà chỉ 1 người lao động nên cái đói đeo bám gia đình ấy quanh năm. “Nhà có 2 sào đất ngô (1.000m2), mỗi năm chỉ sản xuất được 3 tháng và cũng đủ ăn được 3 tháng. 9 tháng còn lại thì tùy” – anh Thông,  bố của Thủy phân trần. Ngô chỉ để xay ra và ăn, nếu có gạo thì hấp cùng với cơm, nếu không có gạo thì nấu cháo lên ăn qua ngày. “Xã cũng hỗ trợ theo chính sách của nhà nước, đưa gia đình vào diện khó khăn đặc biệt để tạo mọi điều kiện nhưng cũng không ăn thua gì” – Anh Chinh – Chủ tịch xã chia sẻ với chúng tôi.

Em Thủy đã học hết lớp 9 ở trường xã. Nhìn các bạn thi vào lớp 10 mà em chỉ biết ngậm ngùi. “Bố em không có tiền, hơn nữa em phải ở nhà để lo cho các em” – Thủy buồn rầu nói với chúng tôi. Em có 8 anh chị em, 5 nữ và 3 nam, trong đó em là con thứ 3. Chị đầu của em 18 tuổi, học hết lớp 9 hiện tại đang đi làm thợ may ở Sài Gòn. Đi làm thuê được 4 tháng, chị cả dành dụm gửi về được cho ba 3 triệu đồng để trả nợ khi mẹ mất. Kể từ khi mẹ mất, Thủy đã thay mẹ nuôi em; cho đến giờ đứa bé cũng đã hơn 1 tuổi.

 photo 3_zpsfcecc1b9.jpg

Thủy và bố đang bế em thứ 7 và thứ 8

“Cháu này là đứa thứ mấy vậy anh?” “Đứa thứ 6 – à không, thứ 5”. Cái điệp khúc lẫn lộn này được ông bố tuổi 42 mà như 50 lặp đi lặp lại. Hai vợ chồng với 8 đứa con cũng đã vất vả, nay gánh nặng lại chất chồng lên vai anh Thông. Nghèo – sinh nhiều con – nghèo – thất học, cái vòng luẩn quẩn cứ mãi đeo bám cả gia đình.

Trời cũng còn thương khi các con anh ngoan ngoãn và mạnh khỏe, chúng biết đùm bọc lẫn nhau khi bố thường xuyên vắng nhà chạy ăn từng bữa. 2 cháu nhỏ đang theo học tại trường mần non Tiến Hóa 2, mặc dù trường có bếp ăn bán trú song 2 em phải dắt nhau về giữa trưa nắng vì bố em không thể xoay đâu ra tiền để nộp một ngày ăn. 11.000*2=22.000đ,  số tiền này đủ cho cả nhà 9 người ăn trong một ngày rồi.

“Nếu như có một điều ước thì em sẽ ước điều gì? “Em ước ba đi làm có tiền để trả nợ, các em có đủ cơm no và được đi học chứ không như chị em em…”. “Sao em không ước gì cho bản thân em?”. “Em muốn được đi học, nhưng tiền áo quần, sách vở, học phí… mà ba em lại không có tiền” “Vậy em đi học để làm gì?” “Học để có kiến thức, để đi làm và có tiền sau này nuôi các em”. Đối với nhiều gia đình thì đó chỉ điều bình thường và hiển nhiên. Với gia đình em là cả một điều không tưởng, khi bữa cơm no còn chưa lo nổi.

Việc nhà làm không xuể, ống quần lúc nào cũng xăn cao chạy theo tụi em nhỏ nghịch ngợm, ánh mắt Thủy thật buồn khi vẫy tay chào chúng tôi. Các bạn trạc tuổi em ngày ngày hồn nhiên với bạn bè, sách vở. Lẽ nào em sớm phải từ bỏ ước mơ vì gánh nặng gia đình và bầy em thơ dại. Liệu có phép màu nào cho em?

                                                                                                        Minh Hóa, tháng 7/2013

                                                                                                                     Thanh Hà

This entry was posted in [23-QB] Thủy và 7 em nhỏ, 1. Những câu chuyện nhỏ của con and tagged , . Bookmark the permalink.

5 Responses to Ước đi học để có tiền nuôi em

  1. Thủy Nguyễn says:

    Quỹ Vui Khỏe Ấm No quyết định trích quỹ ủng hộ các em trong vòng 1 năm, tương đương 500k/ tháng để mua nhu yếu phẩm. Bắt đầu từ tháng 8/2013. Hà cho chị biết số TK để chị chuyển tiền nhé. Và em làm liên lạc viên chăm sóc trường hợp này luôn.

    Thủy

  2. Thanh Ha QB says:

    Thay mặt gia đình cháu Thủy, em xin gửi lời cảm ơn đến Quỹ Vuikhoeamno đã có sự hỗ trợ cho gia đình. Kết hợp với các ban ngành cấp xã, em cam kết sẽ hướng dẫn gia đình sư dụng số tiền này đúng mục đích và hiệu quả.

    Em sẽ thường xuyên thông tin về case này cho các anh/chị

    Cám ơn các anh chị nhiều nhiều lắm!

  3. Quỳnh says:

    Anh Hà lưu tâm ưu tiên mua quần áo và thức ăn cho các cháu nhé. Mong anh chăm sóc các cháu chu đáo để các cháu bớt thiệt thòi. Cảm ơn anh!

  4. thanhhaQB says:

    Dear các anh chị,

    Em xin gửi các anh/chị kết quả tham vấn với Bố của em Thủy (case VKAN) ở thôn Tiến Hóa 2 xã Hồng Hóa.

    Theo nhu cầu thực tế của gia đình:

    1. Chăn nuôi Gà: khoảng 2.000.000đ

    – Mua gà mái trưởng thành để tạo nguồn giống ban đầu. giống Gà kiến mua tại địa phương (150k – 170k/con)

    – Mua 4kg lưới để để làm hàng rào (nuôi nhốt theo kiểu Gà thả vườn). 300k

    2. Mua máy bơm chạy bang dầu để bơm nước trồng Lúa: 2.000.000đ

    Hiện tại gia đình có 4 khoảnh đất để (300m2) trồng lúa, nhiều năm qua chỉ sử dung được một khoảnh, 3 khoảnh còn lại không sử dung được vì không có nước. Theo anh Thông (Bố bé Thủy), “cố gang tạo nguồn nước để trồng lúa thì không sợ đói”.

    3. Số tiền còn lại sẽ mua Gạo và áo quần, chăn ấm cho các cháu khi mùa đông đến.

    Qua khảo sát thực tế, em nhận thấy rang nhu cầu của gia đình đưa ra rất là phù hợp với thực tế. Gia đình không chăn nuôi lợn vì tốn kém nên chon nuôi gà địa phương theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Đặc biệt cần phải cải tạo đất, đưa nguồn nước vào để trồng lúa nước – nếu hoạt động này thực hiện được thì sẽ không bao giờ lo cái đói về sau.

    Theo lời hứa với chị Thu Ba trước đây (chị gợi ý khi em muốn đóng góp cho VKAN rang QB có case nào thì em hỗ trợ trực tiếp sẽ có ý nghĩa hơn) em sẽ cam kế hỗ trợ them 100k/tháng/năm cho gia đình.

    Em gửi anh/chị kết quả tham vấn để anh/chị có gợi ý them giúp gia đình sử dung nguồn tiền có hiệu quả.

    Nói như anh Thông “ăn mấy cũng hết, anh cần làm cái gì đó để tạo thu nhập lâu dài nuôi các cháu”

    Best Regrards

  5. Thủy Nguyễn says:

    Hà ơi, còn khoản thức ăn chăn nuôi và dầu chạy máy bơm nữa. Áp dụng các kiến thức lập kế hoạch kinh tế hộ gia đình chưa 🙂

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *