Một ngày giữa tháng 5, chuyến thăm của tôi và đồng nghiệp tới một xóm nhỏ của thôn KM 14 xã Ngân Thuỷ đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Tại xóm nhỏ này, có 69 hộ gia đình gồm cả người Kinh và người Vân Kiều sinh sống trong đó người Vân Kiều chiếm số đông, các hộ sống xen kẽ giữa các rừng cao su của Lâm trường Lệ Ninh. Họ sống giữa bạt ngàn đất đai nhưng không có đất để canh tác, đất đai ở đây hầu hết do Lâm trường quản lý sự dụng. Họ là người làm thuê trên mảnh đất nơi mà nhiều thế hệ ông cha của mình đã sinh ra và lớn lên. Công việc chủ yếu khi làm thuê là trông coi rừng cao su không cho trâu bò của xóm vào phá. Họ không phải là công nhân của lâm trường bởi một lẽ đơn giãn là họ không nắm được kỹ thuật cạo mũ và chăm sóc cây cao su.
Chúng tôi đến thăm gia đình em Hơn (10 tuổi), hiện em đang học lớp 3, hàng ngày em đi bộ 3km để đến trường, vào mùa mưa em phải ở nhà vì đường ngập nước không đi được. Ước mơ của em cũng như bao đứa trẻ khác ở đây là có một chiếc xe đạp để đi học.
Em Hơn cùng bố mẹ và anh trai
Anh trai đầu của Hơn năm nay 19 tuổi, vừa mới lấy vợ, anh trai thứ 2 năm nay lên lớp 10 nhưng gia đình không có tiền đóng học phí nên đã nghỉ học. Bố mẹ Hơn mong sao có được việc làm ổn định, có thu nhập để nuôi anh trai và Hơn ăn học “đến nơi đến chốn”. Hàng ngày sau giờ lên lớp, Hơn giúp bố mẹ giữ trâu.
Sau nhà Hơn, chúng tôi lên đường tới thăm nhà em Tuyết. Con đường đi vào nhà em đầy sỏi đá, hai bên được rào chắc chắn là các lô trồng cao su và các loại cây khác của lâm trường. Trên con đường này hằng ngày Tuyết đi học và còn băng qua 1 ngọn đồi nữa.
Con đường vào nhà em Tuyết
Tuyết cùng mẹ và các em
Mẹ Tuyết năm nay 27 tuổi đã có 4 người con và đang mang bầu được 2 tháng. Tuyết đang học lớp 1, em gái thứ hai 4 tuổi, em gái thứ ba 2 tuổi, em trai thứ tư 7 tháng tuổi. Đồ đạc trong nhà Tuyết hầu như chẳng có gì ngoài chiếc Tivi bố đi làm thuê dành giụm mua cho chị em Tuyết ở nhà chơi và xem với nhau.
Một góc nhà của Tuyết
Nhà Tuyết chủ yếu ăn cơm với muối nên trong căn bếp chẳng có dầu ăn, nước mắm hay thứ gia vị nào khác. Mẹ Tuyết chẳng khi nào đi chợ vì không có tiền, thỉnh thoảng bố Tuyết xuống chợ để mua gạo và muối thôi. Ngày nào bố mẹ đi làm thì Tuyết sẽ ở nhà giữ em và nấu cơm cho các em ăn. chị kể “rất hiếm khi mua thức ăn cho các con vì không có tiền để mua gạo lấy gì mà mua thức ăn”. Vì chẳng có thức ăn đầy đủ nên các con anh chị đều bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng cân nặng.
Nồi nước lá rừng nấu với nước suối để uống cả ngày của gia đình em Tuyết
Căn bếp đơn sơ của nhà Tuyết cũng như nhiều nhà khác tại xóm
Cả gia đình em không có mảnh đất nào để trồng trọt nên hằng ngày của bố mẹ em đi làm thuê cho lâm trường cao su hoặc ai gọi làm gì thì làm đó. Đến mùa măng, mùa đót, mật ông thì lên rừng kiếm về bán lấy tiền đong gạo.
Em Tuyết học lớp 1 hằng ngày phải đi bộ 3 km đến trường, em băng qua cả ngọn đồi cao để đến trường tại trung tâm xã. Ước mơ của em chỉ mong sao có được chiếc xe đạp để đến lớp được nhanh hơn, không bị trễ học và có thể chở được em gái 4 tuổi đến lớp mẫu giáo. Vì nhà xa nên em gái Tuyn của Tuyết không được đi học mẫu giáo.
Có về đây chúng ta mới thấy được sự khó khăn, bấp bênh của những người dân nơi đây. Tất cả các hộ ở xóm này đều uống nước lấy từ suối gần đó và đựng trong các dụng cụ như thế này. Họ ước mơ của cả xóm là có 1 cái giếng nước sạch để dùng, theo ước tính tốn khoảng 30 đến 40 triệu.
Ca chứa nước của các gia đình
Họ ở xen giữa các rừng cao su mang lại giá trị kinh tế cao mà chủ nhân không phải là họ. Họ làm thuê trên mãnh đất mà tổ tiên họ đã sống nhiều thế hệ trước. Họ cũng không phải là công nhân khai thác cây cao su này, bởi lẽ họ không có kỹ thuật, không am hiểu về cách chăm sóc, đại đa số họ là người không biết chữ. Điều này có nghĩa là cơ hội của họ càng ít đi, cuộc sống của họ và đặc biệt là những đứa trẻ càng khó khăn và tụt hậu.
Ngày qua ngày chúng tôi vẫn đang cố gắng để có thể làm được một điều gì đó cho những gia đình như em Hơn, em Tuyết để cuộc sống của các em đỡ khó khăn hơn, đỡ vất vả hơn. Nhưng để có được một sự thay đổi cho tương lai của các em, chúng tôi biết còn cần nhiều nỗ lực và sự góp sức của nhiều người hơn nữa.
Quảng Bình, ngày 16/5/2012
Dương Quốc Tuấn
Đau lòng quá!